Chi phí bồi thường, tái định cư nằm trong tổng mức đầu tư

Chi phí bồi thường, tái định cư nằm trong tổng mức đầu tư

(Chinhphu.vn) – Qua Cổng TTĐT Chính phủ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Tân (Cà Mau) đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn một số nội dung liên quan đến việc quản lý các dự án, công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Về việc quản lý chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: Nội dung chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được xác định trong tổng mức đầu tư dự án, công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước theo hướng dẫn tại Thông tư số 09/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ Xây dựng.

Trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, cần thiết phải thực hiện công tác đo đạc, lập mảnh trích đo địa chính khu đất (xác định vị trí thửa đất bị ảnh hưởng bởi dự án) để phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Vậy, chi phí đo đạc, lập mảnh trích đo địa chính khu đất thuộc khoản mục chi phí nào?

Trường hợp chi phí đo đạc, lập mảnh trích đo địa chính khu đất thuộc chi phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 68/2019/NĐ-CP thì dự toán chi phí công việc này thuộc 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ của dự án theo Khoản 2 Điều 31 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP sẽ không phù hợp do không bảo đảm chi phí để thực hiện (đối với các dự án không thực hiện trên các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn; không phải là dự án xây dựng công trình hạ tầng theo tuyến).

Trường hợp chi phí đo đạc, lập mảnh trích đo địa chính khu đất thuộc các chi phí khác có liên quan theo Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 68/2019/NĐ-CP thì dự toán chi phí đo đạc, lập mảnh trích đo địa chính khu đất được lập theo quy định nào, cơ quan nào thẩm định, phê duyệt?

Về điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng: Đối với quy định tại Khoản 3 Điều 39 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP “khi điều chỉnh tiến độ hợp đồng không làm kéo dài tiến độ thực hiện hợp đồng (bao gồm cả thời gian được kéo dài tiến độ thực hiện hợp đồng theo quy định của hợp đồng xây dựng) thì chủ đầu tư và nhà thầu thỏa thuận, thống nhất việc điều chỉnh” là chưa rõ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Tân đề nghị Bộ Xây dựng có ví dụ cụ thể trường hợp này hoặc có ý kiến về việc thực hiện điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng ở ví dụ được nêu dưới đây.

Ví dụ: Một hợp đồng xây dựng có thời gian thực hiện hợp đồng là 720 ngày, được tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực cho đến khi các bên đã hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng xây dựng đã ký (bao gồm cả thời gian bảo hành); hình thức hợp đồng trọn gói; các bên quy các điều khoản được điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng, trong đó gồm nội dung “sự chậm trễ, trở ngại trên công trường do bên giao thầu, nhân lực của bên giao thầu hay các nhà thầu khác của bên giao thầu gây ra như: Việc bàn giao mặt bằng không đúng với các thỏa thuận trong hợp đồng (bàn giao mặt bằng chưa đủ, chưa sạch, bàn giao từng phần)”.

Các bên quy định cụ thể thời gian thi công là 360 ngày với tiến độ thi công từ ngày 1/1/2019 đến ngày 31/12/2019; thời gian bảo hành là 360 ngày, từ ngày 31/12/2019 đến 31/12/2020. Thời gian thực hiện dự án được cấp quyết định đầu tư phê duyệt từ năm 2018 đến năm 2020.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, do một phần diện tích xây dựng gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, nhà thầu thực hiện được 210 ngày thì phải dừng thi công, thời gian dừng thi công từ ngày 30/7/2019. Đến ngày 15/11/2019, mặt bằng xây dựng được bàn giao toàn bộ cho nhà thầu. Khi đó các bên ký kết phụ lục điều chỉnh tiến độ thi công hợp đồng đến ngày 15/2/2020 (điều chỉnh tiến độ thi công do trừ thời gian vướng mặt bằng) và điều chỉnh tiến độ thực hiện công việc bảo hành đến ngày 15/2/2021 (từ ngày 15/2/2020 đến 15/2/2021).

Theo đó, tổng thời gian thực hiện hợp đồng vẫn không vượt 720 ngày, tổng thời gian thi công (gồm cả phần được điểu chỉnh) vẫn không vượt 360 ngày; đồng thời, khi điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng không vượt thời gian thực hiện dự án.

Căn cứ các quy định hiện hành, việc chủ đầu tư và nhà thầu thỏa thuận, thống nhất việc điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng nêu trên có đúng quy định không?

Về định mức chi phí quản lý dự án: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Tân có bộ máy tổ chức và hoạt động theo đề án sắp xếp, tổ chức lại hoạt động ban quản lý dự án khu vực tại Quyết định số 2762/QĐ-UBND ngày 4/10/2017 của UBND huyện trên cơ sở tổ chức lại Ban Quản lý dự án theo hướng dẫn tại Thông tư số 16/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Tân là ban quản lý dự án khu vực được UBND huyện giao làm chủ đầu tư một số dự án, công trình do UBND huyện là cấp quyết định đầu tư và quản lý, điều hành các dự án, công trình do UBND huyện làm chủ đầu tư.

Như vậy, khi lập tổng mức đầu tư xây dựng các công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư và quản lý, điều hành các dự án do UBND huyện làm chủ đầu tư thì chi phí quản lý dự án có phải nhân với hệ số điều chỉnh k = 0,8 theo Quyết định số 79/QĐ-BXD ngày 15/2/2017 của Bộ Xây dựng không?

Về cách xác định quy mô dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các văn bản khác: Hiện nay không có văn bản giải thích cụ thể về từ ngữ quy mô dự án đầu tư. Căn cứ các quy định hiện hành, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Tân hiểu rằng quy mô dự án đầu tư được xác định theo tổng mức đầu tư hoặc diện tích sử dụng đất hoặc cấp công trình xây dựng, trừ các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A không xác định theo tổng mức đầu tư hoặc diện tích sử dụng đất theo Điều 7, Điều 8 Luật Đầu tư công 2019. Từ đó, đối với dự án nhóm B, nhóm C khi điều chỉnh dự án làm tăng tổng mức đầu tư hoặc thay đổi diện tích sử dụng đất hoặc thay đổi cấp công trình so với dự án được duyệt thì mới gọi là thay đổi quy mô.

Ban Quản lý dự án hỏi, cách hiểu như nêu trên có đúng không?

Ví dụ: Một công trình xây dựng trường học được phê duyệt gồm 5 phòng học diện tích 500m2, 3.000m2 sân đường, 200m hàng rào. Tổng diện tích sử dụng đất của công trình là 8.000m2. Trong quá trình thực hiện có phát sinh 30m hàng rào (cùng quy mô và kết cấu với hàng rào của hồ sơ được duyệt) và phát sinh 100m2 sân đường (cùng quy mô và kết cấu với sân đường của hồ sơ được duyệt) nhưng không thay đổi cấp công trình, không thay đổi nhóm dự án, không  thay đổi diện tích sử dụng đất và không làm vượt tổng mức đầu tư công trình được duyệt thì có làm thay đổi quy mô công trình không?

Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:

Chi phí bồi thường, tái định cư nằm trong tổng mức đầu tư

Về chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: Theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, chi phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong tổng mức đầu tư xây dựng.

Việc xác định chi phí đo đạc, lập mảnh trích đo địa chính khu đất được xác định theo quy định tại Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15/5/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Trường hợp cần thiết đề nghị tham khảo ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Chủ đầu tư và nhà thầu thỏa thuận điều chỉnh tiến độ hợp đồng

Về điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng: Việc điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết giữa các bên và phù hợp với quy định của pháp luật áp dụng cho hợp đồng.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, thời gian thực hiện hợp đồng được tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực cho đến khi các bên đã hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng xây dựng đã ký (bao gồm cả thời gian bảo hành).

Như vậy, đối với trường hợp nêu tại văn bản hỏi, thời gian thực hiện hợp đồng là 720 ngày, khi điều chỉnh tiến độ thi công và tiến độ thực hiện công việc bảo hành không vượt tiến độ hợp đồng (720 ngày) thì chủ đầu tư và nhà thầu thỏa thuận, thống nhất việc điều chỉnh.

Cách xác định chi phí quản lý dự án

Về định mức chi phí quản lý dự án: Chi phí quản lý dự án theo quy định tại Quyết định số 79/QĐ-BXD ngày 15/2/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công bố định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng là chi phí cần thiết để tổ chức thực hiện các công việc quản lý dự án từ giai đoạn chuẩn bị dự án đến khi kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng.

Theo quy định tại Khoản 3 Mục I Phần I Quyết định số 79/QĐ-BXD thì trường hợp dự án được quản lý theo hình thức chủ đầu tư sử dụng bộ máy chuyên môn trực thuộc có đủ điều kiện năng lực để quản lý dự án thì chi phí quản lý dự án xác định theo định mức ban hành tại Bảng số 1 kèm theo Quyết định này và điều chỉnh với hệ số k = 0,8.

Như vậy, trường hợp ban quản lý dự án chuyên ngành, ban quản lý dự án khu vực thành lập theo quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ đầu tư và trực tiếp tổ chức quản lý thực hiện các dự án được giao thì chi phí quản lý dự án không áp dụng hệ số điều chỉnh k = 0,8 (xác định theo định mức ban hành tại Bảng số 1 kèm theo Quyết định số 79/QĐ-BXD).

Trường hợp nào dự án được coi là thay đổi quy mô?

Về cách xác định việc thay đổi quy mô dự án đầu tư xây dựng: Theo các quy định của pháp luật về xây dựng, quy mô dự án đầu tư xây dựng gồm các thông tin về nhóm dự án và cấp công trình thuộc dự án.

Theo các quy định tại Điều 5 Luật Xây dựng 2014 và Khoản 3 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi số 62/2020/QH14: “Cấp công trình phục vụ quản lý hoạt động đầu tư xây dựng được quy định tại Luật này được xác định căn cứ vào quy mô, mức độ quan trọng, thông số kỹ thuật của công trình bao gồm cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III và cấp IV, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản này”. Cấp công trình được xác định trên cơ sở loại công trình, quy mô công suất, mức độ quan trọng và quy mô kết cấu của công trình thuộc dự án.

Theo các quy định tại Điều 49 Luật Xây dựng 2014 và Khoản 8 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi, dự án đầu tư xây dựng được phân loại theo quy mô, mức độ quan trọng gồm dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công. Theo đó, tại các Điều 7, 8, 9, 10 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, nhóm dự án được xác định theo các tiêu chí về lĩnh vực đầu tư và giá trị tổng mức đầu tư dự án.

Như vậy, dự án đầu tư xây dựng có thay đổi quy mô tại Khoản 4 Điều 61 Luật Xây dựng 2014 được hiểu là thay đổi các nội dung bao gồm: Giá trị tổng mức đầu tư dự án, thay đổi quy mô công suất, mức độ quan trọng và thay đổi quy mô kết cấu của công trình thuộc dự án. Việc thay đổi quy mô đầu tư xây dựng làm thay đổi nhóm dự án và thay đổi cấp công trình sẽ dẫn đến thay đổi thẩm quyền thẩm định dự án và thẩm định thiết kế xây dựng.

Đối với nội dung ví dụ nêu tại văn bản hỏi, trường hợp trong quá trình thực hiện dự án có phát sinh 30m hàng rào và 100m2 sân đường (cùng quy mô, kết cấu với hồ sơ được duyệt) nhưng không làm thay đổi cấp công trình, nhóm dự án, diện tích sử dụng đất và không làm vượt tổng mức đầu tư dự án được duyệt là có thay đổi so với nội dung đầu tư được duyệt. Việc điều chỉnh này do chủ đầu tư xem xét, quyết định.

Chinhphu.vn

CHIA SẺ BÀI VIẾT: