Khái niệm ‘chủ đầu tư’ giữa các luật không đồng nhất?
(Chinhphu.vn) – Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Phạm Trung Hiếu (Hải Phòng) đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải đáp một số thắc mắc về khái niệm chủ đầu tư quy định tại Luật Xây dựng và Luật Đầu tư công.
Theo ông Hiếu tham khảo, tại các Khoản 6, 13, 21 tại Điều 4, Luật Đầu tư công năm 2014 quy định như sau:
“6. Chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức được giao quản lý dự án đầu tư công
…
13. Dự án đầu tư công là dự án đầu tư sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư công…
14. Vốn đầu tư công quy định tại Luật này gồm: vốn ngân sách Nhà nước, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước, các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư”.
Còn Khoản 9, Điều 3 Luật Xây dựng 2014 quy định: “9. Chủ đầu tư xây dựng (sau đây gọi là chủ đầu tư) là cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu vốn, vay vốn hoặc được giao trực tiếp quản lý, sử dụng vốn để thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng”.
Theo ý kiến của ông Hiếu, khái niệm chủ đầu tư có sự khác biệt giữa Luật Xây dựng và Luật Đầu tư công. Về đối tượng chủ đầu tư, theo Luật Đầu tư công là cơ quan, tổ chức còn theo Luật Xây dựng là cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Về nguồn vốn, theo Luật Đầu tư công, phải sử dụng vốn theo quy định tại Khoản 21, Điều 4, Luật Đầu tư công, còn Luật Xây dựng không quy định phải sử dụng vốn tại Khoản 21, Điều 4, Luật Đầu tư công.
Ông Hiếu hỏi, có thể hiểu khái niệm chủ đầu tư xây dựng trong Luật Xây dựng là khái niệm về chủ đầu tư không? Đối với trường hợp người dân xây nhà ở riêng lẻ hoặc công ty tự bỏ vốn để xây dựng công trình (nguồn vốn không liên quan đến quy định tại Khoản 21, Điều 4 Luật Đầu tư công) thì coi là chủ đầu tư có chính xác hay không?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng là khác nhau, cụ thể như sau:
Luật Đầu tư công quy định việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quản lý Nhà nước về đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.
Luật Xây dựng quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và quản lý Nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Do đối tượng, phạm vi điều chỉnh Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng khác nhau nên giải thích từ ngữ khái niệm về chủ đầu tư tại 2 Luật này sẽ khác nhau.
Khái niệm chủ đầu tư trong Luật Xây dựng sẽ rộng hơn khái niệm chủ đầu tư trong Luật Đầu tư công, nhưng khái niệm chủ đầu tư xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công giữa 2 Luật là hoàn toàn thống nhất.
Nội dung này đã được giải thích cụ thể tại Điều 4 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng. Dự án có sử dụng vốn đầu tư công, xác định chủ đầu tư thực hiện tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư công.
Đối với người dân xây nhà ở riêng lẻ hoặc công ty tự bỏ vốn để xây dựng (không liên quan đến Khoản 21, Điều 4 Luật Đầu tư công) sẽ không thuộc đối tượng áp dụng của Luật Đầu tư công.
CÓ THỂ BẠN SẼ MUỐN XEM: