Giới hạn được vay vốn nước ngoài để thực hiện dự án
(Chinhphu.vn) – Công ty TNHH Ortholite Việt Nam có 100% vốn đầu tư nước ngoài, được thành lập bởi nhà đầu tư Hồng Kông nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư. Vốn đầu tư dự án của nhà đầu tư là 2 triệu USD, trong đó vốn góp là 1 triệu USD và vốn vay là 1 triệu USD.
Sau một thời gian hoạt động và phát triển, Công ty tiến hành hoạt động đầu tư của mình. Vốn đầu tư dự án của Công ty là 5 triệu USD, trong đó vốn góp là 2 triệu USD và vốn vay là 3 triệu USD.
Với hạn mức vốn vay nêu trên, Công ty đã ký kết các hợp đồng vay với nhà đầu tư (cũng là công ty mẹ của mình) để vay vốn thực hiện dự án với tổng số vốn vay theo các hợp đồng vay là 3 triệu USD, đồng thời thực hiện đăng ký khoản vay với Ngân hàng Nhà nước. Sau khi xem xét hồ sơ đăng ký khoản vay của Công ty, Ngân hàng Nhà nước cho rằng Công ty đã thực hiện vượt vốn đầu tư, cụ thể là vượt mức 2 triệu USD và yêu cầu Công ty liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để tăng vốn đầu tư thực hiện dự án trước khi đăng ký khoản vay liên quan đến dự án của Công ty.
Dựa trên các quy định pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư, Công ty TNHH Ortholite Việt Nam hiểu rằng hạn mức vốn đầu tư 2 triệu USD chỉ áp dụng cho dự án của nhà đầu tư. Đối với dự án của Công ty, vốn đầu tư thực hiện là 5 triệu USD, và Công ty được phép vay vốn tổng cộng là 3 triệu USD cho dự án này.
Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty hỏi, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư liên quan đến dự án của Công ty đã hợp lệ cho hạn mức vay vốn 3 triệu USD hay chưa?
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến như sau:
Khoản 1, Điều 5 Thông tư 12/2014/TT-NHNN ngày 31/3/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh quy định, “Bên đi vay được phép vay nước ngoài để phục vụ các mục đích sau đây:
1.Thực hiện phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài của các đối tượng sau:
a) Của Bên đi vay;
b) Của doanh nghiệp mà Bên đi vay tham gia góp vốn đầu tư trực tiếp (chỉ áp dụng với trường hợp vay trung, dài hạn nước ngoài)…”.
Tiết (i), Điểm b, Khoản 2, Điều 11 Thông tư 12/2014/TT-NHNN quy định “Trường hợp Bên đi vay có dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, số dư nợ vay trung, dài hạn (gồm cả dư nợ vay trong nước) của Bên đi vay phục vụ dự án đó tối đa không vượt quá phần chênh lệch giữa tổng vốn đầu tư và vốn góp ghi nhận tại giấy chứng nhận đầu tư”.
Đối với câu hỏi của Công ty, theo báo cáo của Công ty, ban đầu, Công ty được thành lập nhằm thực hiện dự án của nhà đầu tư Hồng Kông với vốn đầu tư 2 triệu USD (trong đó vốn góp là 1 triệu USD). Sau thời gian hoạt động và phát triển, Công ty đã triển khai thực hiện dự án có tổng vốn đầu tư là 5 triệu USD, vốn góp là 2 triệu USD (dự án của Công ty).
Trường hợp dự án của Công ty đã được cơ quan quản lý về đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư (Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án của Công ty), theo đó tổng vốn đầu tư là 5 triệu USD, vốn góp là 2 triệu USD, và Công ty vay nước ngoài để phục vụ dự án này thì:
(i) Mục đích vay nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư của Công ty phù hợp với quy định tại Khoản 1, Điều 5 Thông tư 12/2014/TT-NHNN;
(ii) Giới hạn vốn được vay để thực hiện dự án của Công ty được thực hiện theo quy định tại Tiết (i), Điểm b, Khoản 2, Điều 11 Thông tư 12/2014/TT-NHNN. Theo đó, số dư nợ trung, dài hạn (gồm cả dư nợ vay trong nước) của Bên đi vay phục vụ dự án đó tối đa không vượt quá phần chênh lệch giữa tổng vốn đầu tư và vốn góp ghi nhận tại Giấy chứng nhận đầu tư (5 triệu USD – 2 triệu USD = 3 triệu USD).
Khi thực hiện hoạt động vay vốn nước ngoài, Công ty có trách nhiệm tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
CÓ THỂ BẠN SẼ MUỐN XEM: